Glôcôm (dân gian còn gọi là bệnh cườm nước hay thiên đầu thống) là một bệnh lý do tổn thương tiến triển các tế bào hạch võng mạc, đặc trưng bởi tổn thương thị trường và đầu dây thần kinh thị giác, thường liên quan đến tình trạng nhãn áp (áp lực bên trong mắt) tăng. Những tổn thương này là không hồi phục, đồng nghĩa với việc người bệnh sẽ không lấy lại được thị lực đã mất.

Mắt bình thường và mắt bị cườm nước (Glôcôm)

Glôcôm đứng thứ hai trong các nguyên nhân gây mất thị lực hoàn toàn ở hầu hết các khu vực  trên thế giới, chỉ đứng sau đục thể thủy tinh. Theo công bố của tổ chức Y tế thế giới WHO năm 2008 trong các nguyên nhân gây mù lòa nguyên nhân do glôcôm chiếm tới 10%. Dù đây là một bệnh lý đáng lo ngại nhưng có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng có tới hơn nửa số người mắc bệnh glôcôm không biết mình đang mang bệnh.

Đối tượng nào có nguy cơ cao mắc Glôcôm?

  • Người ở độ tuổi ngoài 40
  • Người có người ruột thịt mắc bệnh glôcôm
  • Người mắc tật khúc xạ: cận thị trên 4 diop, lão thị sớm, tăng số kính lão nhanh
  • Người mắc các bệnh toàn thân như huyết áp cao, tụt huyết áp về đêm, co thắt mạc trong bệnh lý mạch vành, hội chứng Raynaud, rối loạn tuần hoàn não, đau nửa đầu, tăng mỡ máu, bệnh đái tháo đường, bệnh lý tuyến giáp
Cườm nước là căn bệnh gặp ở nhiều đối tượng

Glôcôm có di truyền không?

Glôcôm (cườm nước) là một bệnh lý có yếu tố di truyền. Nếu bất kỳ ai trong gia đình cùng huyết thống, đặc biệt là ông bà, cha mẹ mắc bệnh này thì nguy cơ mắc bệnh của bạn cao hơn 4–9 lần.

Tuy nhiên, nhiều trường hợp bị bệnh nhưng không có yếu tố gia đình hoặc các yếu tố nguy cơ rõ ràng. Nhìn chung, nếu gia đình có người được chẩn đoán bệnh glôcôm, bạn nên tầm soát bệnh và đi khám mắt toàn diện định kỳ 6 tháng/ lần.

Thế nào được coi là nhãn áp bình thường? Nhãn áp cao có đồng nghĩa với việc mắc bệnh glôcôm?

Nhãn áp trung bình giao động trong khoảng từ 8 đến 20 mmHg. Người bệnh glôcôm thường có nhãn áp cao nhưng không phải tất cả những người có nhãn áp cao hơn mức trung bình đều bị glôcôm, tuy nhiên những người này cần được theo dõi một cách chặt chẽ tại các cơ sở nhãn khoa.

Việc đánh giá nhãn áp cao hay thấp sẽ còn phù thuộc vào thể chất cũng như mắt của mỗi người. Áp lực nội nhãn (IOP) cao có thể là dấu hiệu của bệnh glôcôm hoặc có nguy cơ cao phát triển bệnh glôcôm. Những người có nhãn áp liên tục trên 27mm Hg thường phát triển bệnh glôcôm, trừ khi áp lực được giảm bớt nhờ thuốc.

Bên cạnh đó, một số người bệnh glôcôm lại có nhãn áp bình thường. Do vậy nhãn áp chỉ được coi là một yếu tố cần được tham khảo và nếu bạn có nhãn áp cao cũng không đồng nghĩa với việc bạn đã mắc bệnh glôcôm. Điều quan trọng là bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa mắt để được kiểm tra kỹ lưỡng và xác định xem nhãn áp của bạn có vấn đề hay không.

Glôcôm được chẩn đoán như thế nào?

Để chẩn đoán glôcôm, bác sỹ nhãn khoa dựa vào 3 yếu tố chính là nhãn áp, tình trạng đầu thị thần kinh và thị trường. Bệnh thường được chẩn đoán qua các bài kiểm tra:

  • Đo nhãn áp bằng thiết bị đo nhãn áp không tiếp xúc, đánh giá tình trạng nhãn áp tại thời điểm thăm khám, phát hiện tình trạng tăng nhãn áp
  • Kiểm tra thị lực để đánh giá sức nhìn  tối đa của mắt và mức độ ảnh hưởng về thị lực do bệnh glôcôm (nếu có)
  • Đánh giá đầu dây thần kinh thị giác bằng phương pháp soi đáy mắt hoặc các phương pháp chẩn đoán hình ảnh
  • Kiểm tra thị trường giúp đánh giá thị trường nhằm phát hiện, theo dõi tiến triển của bệnh lý glôcôm cũng như những tổn thương về thị trường gây ra bởi hệ thần kinh
Bệnh nhân cần thăm khám định kỳ

Khi nào cần liên hệ các cơ sở nhãn khoa?

Mắt bị đau và đỏ: đây có thể là dấu hiệu của glôcôm góc hẹp cấp tính, viêm, nhiễm trùng hoặc các tình trạng mắt nghiêm trọng khác. Người bệnh có thể cần được chăm sóc y tế ngay lập tức để ngăn ngừa tổn thương mắt vĩnh viễn hoặc mù lòa.

Cảm thấy buồn ngủ, mệt mỏi hoặc khó thở sau khi sử dụng thuốc nhỏ mắt để điều trị bệnh tăng nhãn áp. Việc sử dụng các loại thuốc này có thể không phù hợp với một số bệnh nhân và có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề về tim hoặc phổi.

Ngoài ra,  một số loại thuốc, ngay cả thuốc không kê đơn – đặc biệt là những loại được sử dụng để điều trị tắc nghẽn xoang và cảm lạnh, rối loạn dạ dày và ruột – có thể gây ra glôcôm góc đóng cấp tính. Mang theo danh sách tất cả các loại thuốc của bạn đến bác sĩ nhãn khoa.

Glôcôm có thể điều trị được hay không?

Glôcôm không thể hoàn toàn điều trị dứt điểm, nhưng hầu hết các ca đều có thể được kiểm soát thành công. Tùy từng dạng glôcôm mà người bệnh được chẩn đoán, sẽ có các phương pháp điều trị phù hợp được chỉ định như kết hợp điều trị thuốc và dùng laser Yag hoặc phẫu thuật cắt mống mắt chu biên, cắt bè củng mạc hoặc đặt thiết bị dẫn lưu. Điều quan trọng là người khám mắt định kỳ để kiểm tra nhãn áp, tầm soát và chẩn đoán, điều trị sớm, tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ và tái khám định kỳ theo hẹn để duy trì sự ổn định của nhãn áp.

Có cách nào để phòng ngừa Glôcôm?

Theo Glaucoma Research Foundation, hiện nay không có phương pháp có thể phòng tránh hoàn toàn được bệnh glôcôm nguyên phát. Tuy nhiên, với bệnh nhân được chẩn đoán mắc glôcôm nguyên pháp, tình trạng suy giảm thị lực và mù lòa vẫn có thể ngăn ngừa được bằng cách điều trị thích hợp. Bên cạnh đó, đối với glôcôm thứ phát, bệnh có thể phòng tránh được tùy thuộc vào tình trạng bệnh lý nền của bệnh nhân.

Bạn cần tư vấn và điều trị hay tầm soát bệnh lý mắt, hãy inbox hoặc gọi qua hotline 1900 636 877 với chuyên gia nhãn khoa đầu ngành luôn đồng hành cùng bạn trên hành trình bảo vệ đôi mắt sáng khỏe.