Bong võng mạc là biến cố nghiêm trọng gây tổn thương cho mắt khiến võng mạc bị tách khỏi mô đỡ và không thể thực hiện tốt chức năng phản ánh hình ảnh sự vật bên ngoài. Đây là một cấp cứu nhãn khoa vì bệnh nhân có thể bị mất thị lực vĩnh viễn nếu không được điều trị trong vòng 24 đến 72 giờ.
1. Tổng quan bệnh bong võng mạc
Võng mạc (đáy mắt) là lớp màng thần kinh nằm ở phía trong cùng của mắt, dày khoảng 0,4mm, có chức năng tiếp nhận ánh sáng từ giác mạc và thủy tinh thể hội tụ lại, sau đó được chuyển thành các tín hiệu thần kinh và gửi thông tin ngược về não bộ qua các dây thần kinh thị giác. Từ đó, chúng ta có thể nhận biết hình ảnh của sự vật xung quanh.
Bệnh võng mạc là tên gọi chung của các bệnh về mắt có nguyên nhân do rối loạn võng mạc gây ra. Hiện nay, bệnh lý này đứng thứ 2 sau đục thủy tinh thể dẫn tới nguy cơ mù lòa vĩnh viễn. Trong đó, bệnh bong rách võng mạc thường gặp hơn cả.
Bong võng mạc được hiểu là lớp mô võng mạc bị bong ra khỏi vị trí ban đầu khiến việc cung cấp dinh dưỡng bị gián đoạn. Tình trạng này xảy ra khi có một hay nhiều vết rách nhỏ trên võng mạc, từ đó phần dịch kính bên trong mắt sẽ chảy qua vào lỗ rách và tràn vào võng mạc, từ đó tách võng mạc khỏi lớp mô nằm ở phía sau khiến tầm nhìn của bệnh nhân bị hạn chế, thậm chí có nguy cơ mất thị lực 1 phần hoặc toàn phần nếu không được điều trị kịp thời.
Phần lớn bệnh nhân bị mắc bệnh lý này đều có các triệu chứng cảnh báo rõ rệt như mắt mờ, thấy ánh sáng nhấp nháy ở góc mắt (chớp sáng) khi nhìn sang một bên, nhiều chấm đen như ruồi bay, nhìn thấy những mảng tối che trước mắt. Tuy nhiên, có một số trường hợp vết rách nhỏ khiến bệnh nhân không thấy rõ triệu chứng nào.
2. Nguyên nhân gây ra bong rách võng mạc
2.1 Do dịch kính bị co kéo dẫn tới bong rách võng mạc
Dịch kính là một lớp gel trong suốt nằm bên trong mắt được lót bởi võng mạc. Lớp gel này được gắn cố định vào võng mạc khi mới sinh. Theo thời gian khi cơ thể lão hóa, lớp gel sẽ co lại tách dần khỏi võng mạc, gây ra tình trạng bong dịch kính. Bong dịch kính bình thường không gây ra biến chứng gì nghiêm trọng. Tuy nhiên, có những trường hợp dịch kính dính vào giác mạc hơn bình thường, tới khi tách ra và co kéo bất thường khiến võng mạc bị bong rách. Phần dịch kính sẽ chảy vào mắt qua các lỗ rách và tràn xuống võng mạc làm giảm tầm nhìn.
Bệnh nhân ở độ tuổi trên 40, đặc biệt ở độ tuổi 60-70 xảy ra tình trạng thoái hóa võng mạc dẫn tới nguy cơ bị bong rách võng mạc cao hơn các người trẻ tuổi. Song tình trạng này vẫn có thể gặp ở người trẻ tuổi.
2.2 Do mắc các bệnh lý về mắt
Người mắc các bệnh lý về mắt, điển hình như cận thị có nguy cơ bong rách võng mạc cao. Ở nhóm đối tượng này, nhãn cầu có xu hướng lồi ra phía trước kéo căng võng mạc, khiến võng mạc trở nên mỏng hơn, thoái hóa dần và dễ bị kéo rách dẫn tới bong võng mạc.
Do đó, những người bị cận thị cần được tầm soát, thăm khám định kì để theo dõi tình trạng của mắt và có những biện pháp ngăn ngừa nguy cơ bong rách võng mạc kịp thời. Ngoài ra, những người có tiền sử xuất huyết dịch kính võng mạc, bệnh võng mạc đái tháo đường làm cho võng mạc bị đẩy ra xa khỏi vị trí mạng lưới đỡ của nó và cũng gây ra bong rách võng mạc cao hơn so với người bình thường.
2.3 Do các chấn thương về mắt gây bong rách võng mạc
Trong quá trình hoạt động, những va chạm tác động mạnh tới mắt hoặc có vật thể lạ rơi vào mắt cũng có thể xảy ra các tai nạn như tổn thương giác mạc, rách võng mạc,… Trong một số trường hợp hiếm gặp, bong rách võng mạc có thể xảy ra sau phẫu thuật laser LASIK ở nhóm đối tượng bị cận nặng, phẫu thuật đục thủy tinh thể, khối u, các phẫu thuật bệnh lý về mắt khác.
2.4 Do yếu tố di truyền
Trong gia đình, nếu thành viên có tiền sử từng bị bong rách võng mạc thì khả năng cao tình trạng này sẽ lặp lại ở nhóm đối tượng có cùng huyết thống.
3. Phương pháp điều trị bệnh bong rách võng mạc
Bệnh nhân ngay khi có dấu hiệu nghi ngờ hoặc võng mạc bị tổn thương nên đến các chuyên khoa khám mắt càng sớm càng tốt. Các bệnh lý võng mạc được chẩn đoán qua việc khám, soi đáy mắt, siêu âm mắt và chụp ảnh đáy mắt.
Các phương pháp thường được bác sĩ sử dụng để điều trị cho bệnh nhân bị bong rách võng mạc:
3.1 Laser quang đông võng mạc
Ngay khi có dấu hiệu bệnh được phát hiện sớm, khi đó võng mạc mới chỉ xuất hiện các vết rách nhưng chưa bong hẳn hoặc chỉ bong một phần nhỏ thì người bệnh được điều trị bằng laser. Tia Laser sẽ được chiếu lên phần rách, tạo vết nối gắn liền giữa võng mạc bị rách và phần còn lại.
3.2 Làm lạnh (Cryopexy)
Đây là phương pháp được sử dụng khá phổ biến trong điều trị bệnh bong rách võng mạc. Sau khi tiến hành gây tê cục bộ, bác sĩ phẫu thuật sẽ áp dụng một đầu dò đông lạnh chạm trực tiếp trên vết rách và tạo ra vết sẹo để cố định cho võng mạc đúng vị trí.
Đối với cả 2 phương pháp này, mắt người bệnh sẽ hơi bị tê trong thời gian ngắn. Sau khi làm thủ thuật, người bệnh nên tránh các hoạt động có thể làm chấn động vùng mắt chẳng hạn như hoạt động chạy, bơi lội trong một vài tuần hoặc lâu hơn.
3.3 Phẫu thuật cắt dịch kính
Khi vết rách lớn không thể áp dụng 2 phương pháp trên, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật cắt dịch kính. Đây là phương pháp phẫu thuật cấp cứu khi bong võng mạc chưa lan đến vùng hoàng điểm giúp bảo vệ vùng hoàng điểm không bị tổn thương. Bởi khi bong rách võng mạc lan tới vùng hoàng điểm, tầm nhìn của bệnh nhân có thể sẽ không bao giờ trở lại được như ban đầu.
Phẫu thuật cắt dịch kính là phương pháp phẫu thuật sửa chữa những vết rách hoặc bong lớn. Bác sĩ thực hiện loại bỏ dịch kính và thay thế nó bằng bong bóng khí hoặc dầu, giúp mắt duy trì dạng hình cầu như ban đầu. Gần 90% các ca phẫu thuật bằng phương pháp này đạt kết quả thành công.