Tật cận thị là một trong những tật khúc xạ phổ biến và thường gặp ở lứa tuổi học sinh. Do đó, bố mẹ cần phải nhanh chóng đưa con đi khám mắt cận khi trẻ xuất hiện những dấu hiệu mắc bệnh.
1. Tật cận thị là gì?
Cận thị là tật khúc xạ làm rối loạn các chức năng của thị giác. Trong những trường hợp này, trục nhãn cầu sẽ bị dài ra khiến những tia sáng hội tụ ở trước võng mạc chứ không phải đúng võng mạc. Điều này khiến những người bị cận thị chỉ có khả năng nhìn được những vật ở gần, chứ không thể nhìn rõ những vật ở phía xa.
Cận thị là căn bệnh về mắt phổ biến và càng ngày càng gia tăng trong xã hội hiện nay. Mặc dù tật cận thị không gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ nhưng nó khiến người bệnh gặp khó khăn trong sinh hoạt, học tập hàng ngày.
2. Nguyên nhân khiến trẻ em bị cận thị là gì?
Một số nguyên nhân chính khiến trẻ mắc tật cận thị là:
- Do yếu tố di truyền: Nếu bố hoặc mẹ cận thị từ 6 diop trở lên thì khả năng cao là trẻ sẽ bị cận do di truyền.
- Trẻ sinh ra có cân nặng thấp hoặc sinh non từ 2 tuần trở lên có khả năng cao bị cận thị.
- Trẻ ngủ quá ít hoặc thường xuyên bị thiếu ngủ.
- Trẻ ngồi học và đọc sách không đúng tư thế, ở khoảng cách quá gần hoặc ở những nơi không đủ ánh sáng.
- Trẻ thường xuyên xem TV và ngồi gần với khoảng cách dưới 3m.
- Trẻ sử dụng ipad, máy tính hoặc điện thoại di động liên tục trong một khoảng thời gian dài.
3. Dấu hiệu của bệnh cận thị ở trẻ em là gì?
- Trẻ thường xuyên bị nhức đầu và chảy nước mắt do mỏi mắt.
- Trẻ thường xuyên dụi mắt, nheo mắt, nhạy cảm với ánh sáng, chói mắt do khả năng điều tiết của mắt kém.
- Không thể nhìn rõ vật ở khoảng cách trên 1m như thường xuyên đứng gần để xem TV,…
- Trẻ đọc sách với khoảng cách gần và cúi thấp gần với mặt bàn khi viết bài, đọc nhầm hoặc khó đọc chữ trên bảng vì không nhìn rõ.
Đây là những dấu hiệu của tật cận thị ở trẻ em mà bố mẹ nên biết để phát hiện bệnh sớm và tìm ra cách điều trị phù hợp cho bé.
4. Cách điều trị và phòng ngừa tật cận thị tốt nhất cho trẻ
Khi trẻ gặp phải những biểu hiện trên, phụ huynh nên nhanh chóng đưa con đến khám mắt cận tại các bệnh viện uy tín để được các bác sĩ Nhãn khoa kiểm tra và xác định chính xác tình trạng cận thị. Đồng thời phát hiện sớm và điều trị kịp thời những tổn thương ở đáy mắt nếu có.
Trong trường hợp trẻ được chẩn đoán bị cận thị, bố mẹ nên cho con đeo kính cận phù hợp theo đúng chỉ định của bác sĩ. Điều này sẽ giúp bé có thị lực tốt hơn hoặc hỗ trợ quá trình điều trị nếu trẻ bị lác, nhược thị,….
Bên cạnh đó, phụ huynh cũng nên giúp trẻ phòng ngừa bệnh tật thị bằng cách lưu ý những điều sau đây:
- Bảo đảm cung cấp đủ ánh sáng khi con học tập và đọc sách.
- Không để trẻ đọc sách và viết chữ liên tục trong một khoảng thời gian dài. Sau khi viết bài và đọc sách khoảng 1 giờ, bố mẹ nên cho con nghỉ ngơi và thư giãn khoảng 10 phút.
- Kiểm soát khoảng cách viết chữ và đọc sách của trẻ sao cho từ mắt đến mặt trang giấy, trang sách là khoảng 30cm. Ngoài ra, bố mẹ cũng nên điều chỉnh ghế ngồi cho phù hợp với chiều cao của con.
- Nhắc nhở trẻ ngồi học ngay ngắn và không để đầu nghiêng ngả hoặc nằm khi xem sách.
- Không để con vừa ăn vừa xem TV, sách báo,…
- Đảm bảo cho trẻ ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết, nhất là vitamin và protein,…
- Đưa con đi khám mắt cận và kiểm tra thị lực định kỳ khoảng 1 – 2 lần/ năm.