Viêm bờ mi là bệnh lý mạn tính về mắt khá phổ biến hiện nay khiến người mắc có cảm giác khó chịu, ngứa, mi mắt đỏ, đau nhức, khô mắt, bỏng rát,… Bệnh nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể hạn chế được tổn thương nghiêm trọng cho mắt.
1. Viêm bờ mi là gì?
Viêm ở bờ mi là tình trạng lớp biểu bì của mi mắt bị viêm, xảy ra do các tuyến nhờn ở chân lông mi bị tắc nghẽn khiến cho mắt có cảm giác khó chịu, biểu hiện ra ngoài với các hiện tượng ngứa, sưng, đỏ. Ngoài ra, người bệnh có thể hay chảy nước mắt, cảm giác nóng rát, phù nề, thậm chí nhạy cảm với ánh sáng và đôi khi nhìn mọi vật bị mờ. Bệnh rất khó điều trị dứt điểm và thường hay tái phát lại, khi thăm khám lâm sàng dễ bị bỏ sót.
Các hình thái viêm ở bờ mi mắt
- Viêm đỏ bờ mi: là hình thái nhẹ, khu vực bờ mi có hiện tượng đỏ lên, đóng vẩy, bệnh nhân cảm thấy hơi vướng
- Viêm rụng vẩy bờ mi: bờ mi sưng đỏ, đóng nhiều vẩy, tiết tố bám dính vào bờ mi, bờ mi không loét
- Viêm loét bờ mi: là hình thái nặng, bờ mi sưng đỏ, có hiện tượng phù nề, nhiều tiết tố, rụng lông mi và bờ mi viêm loét.
2. Nguyên nhân gây viêm ở bờ mi mắt là gì?
Một số nguyên nhân thường gặp dẫn tới viêm ở bờ mi mắt như:
- Vi khuẩn, virus: được coi là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tình trạng viêm mi mắt và kết mạc trong viêm bờ mi sau. Tình trạng này nếu không được điều trị kịp thời có thể khiến mí mắt bị sưng cộm, đỏ tấy, lật ra ngoài hoặc lộn vào trong. Lông mi cũng theo đó lật vào trong gây tổn thương cho giác mạc, lâu ngày người bệnh có thể bị ảnh hưởng thị lực.
- Tuyến nhờn (Meibomian) rối loạn chức năng: Tuyến nhờn này có trách nhiệm tiết ra lớp dầu màng nước mắt. Lớp dầu đóng vai trò ngăn cản nước mắt bay hơi, giảm sức căng ở bề mặt của lớp nước mắt, tạo môi trường cho nước mắt lan rộng để bôi trơn mắt. Thành phần lipid trong tuyến tiết bị thay đổi dẫn đến màng nước mắt bị mất đi sự ổn định. Chất tiết bất thường gây tổn thương trực tiếp bề mặt mắt. Bên cạnh đó, sự thay đổi thành phần lipid cũng tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển dẫn tới rối loạn chức năng tuyến nhờn và xơ hóa, gây tổn thương mi mắt và bề mặt nhãn cầu, dẫn tới mụn lẹo hoặc chấp ở mí mắt.
- Bệnh lý trứng cá đỏ và viêm da tiết bã là những bệnh lý viêm da mãn tính có thể gây ra sưng đỏ và viêm ở mi mắt. Những người bị bệnh da liễu mãn tính có xu hương bị viêm bờ mi nặng hơn người bình thường.
- Ngoài ra, một số người có tiền sử dị ứng với thuốc hoặc dị ứng mỹ phẩm cũng là yếu tố gây viêm ở bờ mi mắt.
3. Chẩn đoán và cách điều trị viêm ở bờ mi
3.1 Chẩn đoán viêm ở bờ mi
Thông thường, bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh thông qua việc kiểm tra mí mắt và lông mi của người bệnh. Tuy nhiên, đối với các trường hợp viêm phức tạp hơn, người bệnh được kiểm tra mắt bằng kính hiển vi khe đèn hoặc được kiểm tra thêm nhãn áp.
Một số trường hợp người bệnh bị viêm ở bờ mi mạn tính có thể tiến triển ngày càng nghiêm trọng hơn. Bệnh viêm bờ mi cũng có thể tái phát lại nhiều lần mà không thể chữa dứt điểm. Vì thế, bạn không nên chủ quan mà cần tuân theo phác đồ điều trị của bác sĩ.
3.2 Cách điều tri viêm ở bờ mi
Mặc dù viêm ở bờ mi không có nguy cơ gây mất thị lực nhưng nếu không được điều trị sớm có thể dẫn tới các bệnh lý nguy hiểm như: rụng lông mi, nhiễm trùng cấp tính, viêm túi lệ, chắp, lẹo, các bệnh lý về giác mạc trở nặng. Do đó, việc điều trị viêm ở bờ mi là hoàn toàn cần thiết.
Hiện nay, các phương pháp điều trị viêm ở bờ mi được sử dụng phổ biến như:
- Chườm gạc ấm: Đây là phương pháp khá đơn giản và dễ thực hiện. Bạn chỉ cần sử dụng một chiếc khăn sạch, sau đó nhúng vào nước ấm, vắt khô và đắp lên vùng mi mắt bị viêm khoảng 1 phút. Phương pháp này cần tiến hành lặp đi lặp lại khoảng 3 lần. Đối với phương pháp này, cần chú ý để độ ấm vừa phải, nước lạnh quá sẽ không có tác dụng và nóng quá cũng không khiến hiệu quả không đạt được như mong muốn. Độ ấm vừa phải giúp làm bong vảy vùng mi mắt bị viêm sưng, làm sạch tuyến nhờn và phòng ngừa nguy cơ phát triển chắp mắt – là tình trạng chất nhầy trong mí mắt bị tắc nghẽn dẫn tới hình thành một khối u phình to.
- Tẩy tế bào chết tại mi mắt bị viêm: Bạn có thể lựa chọn dùng một miếng gạc, bông gòn hay mảnh khăn nhỏ ngâm trong nước ấm rồi dùng nó để lau nhẹ bờ mi bị viêm khoảng 15 giây để giúp làm sạch tế bào chết ở mi mắt. Đối với một số trường hợp được bác sĩ chỉ định, bệnh nhân có thể sử dụng sữa tắm trẻ em làm sạch mi mắt.
- Thuốc mỡ kháng sinh: Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ kê các loại thuốc mỡ kháng sinh để điều trị bệnh. Người bệnh cần vệ sinh tay sạch sẽ, dùng tay thoa thuốc nhẹ nhàng ở phần mi mắt trước khi đi ngủ hoặc dùng bông gòn chấm vào thuốc rồi thoa lên mi mắt.
- Trường hợp người bệnh bị khô mắt hay viêm mắt, bác sĩ có thể chỉ định dùng các loại thuốc nhỏ mắt để cải thiện tình trạng này, ngoài ra bác sĩ có thể được kê một số loại thuốc kháng sinh cải thiện viêm do vi khuẩn gây ra, cải thiện tuyến meibomius tiết nhờn.
- Chế độ dinh dưỡng: đóng vai trò quan trọng với sức khỏe đôi mắt. Việc thiếu hụt dưỡng chất có thể là nguyên nhân gây tình trạng viêm tuyến meibomius, từ đó dẫn tới viêm ở bờ mi mắt. Người bệnh cần có một chế độ ăn khoa học, đảm bảo cân bằng các loại axit béo omega. Việc duy trì chế độ cân bằng này giúp tuyến nhờn làm việc hiệu quả, đôi mắt được bôi trơn, tránh khô mắt. Người bệnh có thể tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ nhãn khoa về vấn đề này.
- Vệ sinh cho đôi mắt: Việc vệ sinh lông mi sạch sẽ, rửa mi mắt hàng ngày để phòng tránh bệnh và giảm nguy cơ tái phát bệnh, người bệnh cần hạn chế dùng tay bẩn dụi lên mắt tránh tạo điều kiện cho vi khuẩn dễ dàng xâm nhập bờ mi mắt gây viêm.
- Ngoài ra, bạn có thể massage nhẹ nhàng quanh vùng mi mắt. Tránh để đôi mắt tiếp xúc với khói bụi và ánh sáng mặt trời, giảm cường độ làm việc với máy tính, ngủ đủ giấc giúp mắt được thư giãn nghỉ ngơi.
- Đi khám mắt định kỳ 3-6 tháng/1 lần để phát hiện sớm các vấn đề về mắt và có biện pháp ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng hơn.
Nếu bạn có bất kì câu hỏi gì liên quan đến các bệnh lý về mắt, trong đó có viêm bờ mi hay quan tâm đến các gói khám có thể liên hệ ngay với chúng tôi để được giải đáp sớm nhất.