Tật khúc xạ về mắt là các rối loạn mắt phổ biến, có thể bắt gặp ở bất cứ độ tuổi nào, kể cả trẻ nhỏ, gây xáo trộn lớn trong cuộc sống của người bệnh bởi tình trạng suy giảm thị lực và dễ diễn tiến thành các biến chứng.

Vậy cụ thể tật khúc xạ về mắt có biến chứng nguy hiểm không và các thông tin hữu ích về tật khúc xạ sẽ được phân tích chi tiết ở bài viết dưới đây.

1. Khái niệm tật khúc xạ

Tật khúc xạ là từ chỉ chung cho các tật như: cận thị, viễn thị, loạn thị và lão thị. Mỗi loại tật sẽ có biểu hiện và triệu chứng riêng. Tuy nhiên, triệu chứng chung của tật khúc xạ là nhìn mờ.

Tật khúc xạ xảy ra khi các tia sáng đi vào mắt được hội tụ lệch ra khỏi võng mạc, có thể là trước hoặc sau võng mạc làm cho tín hiệu hình ảnh được truyền về não không rõ ràng, khiến tầm nhìn bị mờ đi. Tình trạng này xảy ra là do một số bộ phận ở mắt gặp bất thường như trục nhãn cầu quá ngắn hoặc dài, giác mạc quá phồng hoặc dẹt, sẹo giác mạc,…

Giác mạc là lớp mô mỏng bao bọc phía trước mắt, khi giác mạc gặp bất thường sẽ gây ra tật khúc xạ.

2. Nguyên nhân hình thành tật khúc xạ mắt

Nguyên nhân hình thành tật khúc xạ mắt có thể do di truyền, bẩm sinh. Ngoài ra, thói quen sử dụng mắt, ăn uống cũng là lý do khiến tật khúc xạ hình thành như:

  • Để mắt làm việc quá nhiều trong khoảng thời gian dài là nguyên nhân khiến sức khỏe đôi mắt bị giảm đi.
  • Thói quen làm việc và học tập không đúng cách như: tư thế ngồi sai, để mắt hoạt động trong môi trường thiếu ánh sáng lâu dần khiến sức khỏe đôi mắt bị xuống dốc.
  • Ăn uống không đủ chất dinh dưỡng dẫn đến ảnh hưởng tới sự phát triển của cơ thể, trong đó có đôi mắt.
  • Sử dụng quá nhiều thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại thông minh là nguyên nhân khiến thị lực bị suy giảm nhanh nhất bởi ánh sáng phát ra từ các thiết bị điện tử có năng lượng cao, gây tổn thương võng mạc, gây áp lực cho mắt khiến mắt mệt mỏi.

3. Dấu hiệu nhận biết tật khúc xạ mắt

Dấu hiệu chung cho các loại tật khúc xạ là nhìn mờ. Bên cạnh đó, có thể gặp một số dấu hiệu khác đi kèm như:

  • Nhức đầu do mỏi mắt, nheo mắt để nhìn.
  • Nhức mắt.
  • Thấy sáng chói khi nhìn vào ánh đèn.
  • Giảm tập trung khi làm việc trên máy tính.
  • Nhìn 1 vật thấy 2 hình ảnh.

Ở một số người có thể gặp các dấu hiệu khác không được đề cập đến ở trên. Vì vậy, khi thấy các bất thường ở mắt hay nghi ngờ bản thân bị mắc tật khúc xạ thì hãy đến gặp bác sĩ Nhãn khoa để khám và thực hiện biện các biện pháp khắc phục càng sớm càng tốt.

Khám mắt khi có bất thường ở mắt hoặc khám định kỳ 6 tháng/1 lần giúp người bệnh kiểm soát tốt nhất tật khúc xạ.

4. Tật khúc xạ về mắt có biến chứng nguy hiểm không?

Khi bị mắc các tật khúc xạ, nếu không được phát hiện và điều chỉnh sớm có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như:

  • Nhược thị: Là tình trạng mắt bị suy giảm thị lực bởi não không thể nhận được tín hiệu từ mắt truyền đến, đây là diễn tiến tăng độ của tật khúc xạ. Khi nhược thị xảy ra thì mắt của người bệnh không thể nhìn rõ được nữa, dù có thực hiện bất cứ phương pháp nào như chỉnh kính, phẫu thuật hay luyện tập cũng không thể cải thiện thị lực.
  • Lác (lé): Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thị lực. Khi lác trở nên nặng hơn người bệnh có khi phải thực hiện phẫu thuật mới có thể phục hồi thị lực. Tuy nhiên, phẫu thuật có thể xảy ra các rủi ro không mong muốn, thậm chí có thể mù hẳn (hiếm gặp).
  • Bong võng mạc và xuất huyết dịch kính: Đây là biến chứng nguy hiểm xảy ra ở những người cận thị nặng, lúc này trục nhãn cầu dài hơn bình thường nên xảy ra tình trạng co kéo võng mạc, khiến vùng chu biên võng mạc bị mỏng dần. Lâu ngày có thể gây bong rách võng mạc bởi sự co kéo, nguy cơ đứt vỡ mạch máu gây xuất huyết dịch kính. Đây là biến chứng nặng nề của tật cận thị, khả năng phục hồi thị lực rất thấp và có thể dẫn đến mù lòa.

5. Cách kiểm soát biến chứng của tật khúc xạ về mắt

Kiểm soát tật khúc xạ là cách tốt nhất để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm xảy ra. Vì vậy, người bệnh có thể thực hiện các biện pháp sau:

  • Khám mắt định kỳ: Khi mắc tật khúc xạ, người bệnh nên thực hiện khám mắt định kỳ 6 tháng/1 lần hoặc khám theo lịch chỉ định của bác sĩ là cách tốt nhất để theo dõi tình trạng khúc xạ, từ đó có thể phát hiện diễn tiến khúc xạ và xử lý kịp thời tránh biến chứng nguy hiểm xảy ra.
  • Điều chỉnh sớm: Người bị tật khúc xạ nên thực hiện các biện pháp điều chỉnh sớm để cải thiện thị lực, lấy lại cân bằng trong cuộc sống cũng như tránh diễn tiến nặng gây nhược thị, lác, mù lòa. Đã có một số trường hợp phát hiện bản thân bị mắc tật khúc xạ, hoặc độ khúc xạ nhẹ không chỉnh kính dẫn đến tình trạng suy giảm thị lực nặng, không thể hồi phục.

Chỉnh kính sớm giúp kiểm soát diễn tiến tật khúc xạ cũng như lấy lại tầm nhìn tối ưu cho người bệnh.

6. Các phương pháp điều trị tật khúc xạ về mắt

Có nhiều phương pháp khác nhau trong điều trị tật khúc xạ. Tuy nhiên, đeo kính gọng và Ortho K là hai phương pháp đơn giản, hiệu quả, an toàn nhất được nhiều người lựa chọn.

6.1. Đeo kính gọng

Đây là phương pháp được nhiều người chọn nhất bởi: chi phí hợp lý, đơn giản, hiệu quả, an toàn, phù hợp cho mọi lứa tuổi. Với phương pháp này người bệnh sẽ được trang bị một đơn kính với thông số phù hợp để cải thiện tầm nhìn tối ưu. Vì vậy người bệnh không cần phẫu thuật mà thị lực vẫn được cải thiện, tránh được các rủi ro không mong muốn của phẫu thuật.

6.2. Ortho K

Ortho K là kính áp tròng cứng được đeo vào ban đêm khi ngủ khoảng 6 – 8 tiếng giúp chỉnh lại tạm thời hình dáng méo mó của giác mạc trở lại bình thường, sáng ngày hôm sau kính Ortho K được tháo ra. Lúc này mắt sẽ nhìn rõ được ngay, tình trạng này được duy trì trong cả ngày mà không cần đeo kính lại.

Với phương pháp Ortho K người bệnh sẽ không cần can thiệp phẫu thuật để cải thiện thị lực. Vì vậy đây là phương pháp an toàn trong điều chỉnh khúc xạ, phù hợp với cả đối tượng không đủ điều kiện để tiến hành phẫu thuật.

Bên cạnh đó, Ortho K còn có khả năng làm chậm hay dừng lại tăng độ cận. Do đó, các bác sĩ Nhãn khoa khuyến nghị sử dụng Ortho K trong điều chỉnh cận thị ở trẻ em để kiểm soát tăng độ cận ở trẻ.

Như vậy, tật khúc xạ về mắt hoàn toàn có thể biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Vì vậy, khi mắc tật khúc xạ bạn cần có biện pháp kiểm soát tốt tật khúc xạ để tránh biến chứng xảy ra. Tốt nhất bạn hãy nhanh chóng đến gặp bác sĩ Nhãn khoa để được tư vấn các biện pháp kiểm soát và điều trị tật khúc xạ hiệu quả.

Bạn cần tư vấn và điều trị hay tầm soát bệnh lý mắt, hãy nhắn tin hoặc gọi qua hotline 1900 636 877 để được hỗ trợ sớm nhất.