Dị ứng mắt — đỏ mắt, ngứa mắt, chứng chảy nước mắt có nguyên nhân từ những chất kích ứng mà cũng gây hắt hơi và chảy nước mũi ở những người bị dị ứng theo mùa — là rất thường gặp. Ngoài các triệu chứng hắt hơi, nghẹt mũi và chảy nước mũi, hầu hết những người bị dị ứng này còn bị ngứa mắt, chảy nước mắt, đỏ mắt và sưng mí mắt.

Trong một số trường hợp, dị ứng mắt cũng góp phần gây ra viêm kết mạc và các bệnh nhiễm trùng mắt khác.

Viêm kết mạc ở mắt gây đỏ

Nguyên nhân gì gây dị ứng mắt

Các dị ứng nguyên thường là những chất vô hại nhưng lại gây ra vấn đề cho những người dễ gặp phản ứng dị ứng.

  • Thường gặp nhất gây dị ứng mắt là phấn hoa, mốc, bụi và lông vật nuôi.
  • Dị ứng mắt cũng có thể do các phản ứng với một số mỹ phẩm hoặc thuốc nhỏ mắt, gồm cả nước mắt nhân tạo dùng để điều trị chứng khô mắt mà có chứa chất bảo quản.
  • Dị ứng thực phẩm và phản ứng dị ứng với ong đốt hoặc vết cắn khác của côn trùng thường không ảnh hưởng đến mắt nghiêm trọng bằng các dị ứng nguyên qua không khí.

Giảm bớt dị ứng mắt

Để giảm dị ứng mắt, ngứa mắt và chứng chảy nước mắt, bạn có thể thực hiện một số biện pháp:

Tránh các dị ứng nguyên

Biện pháp tốt nhất để kiểm soát các triệu chứng dị ứng mắt là làm mọi thứ có thể để hạn chế tiếp xúc với các dị ứng nguyên phổ biến mà bạn biết là bạn nhạy cảm.

Ví dụ, vào những ngày có lượng phấn hoa cao, hãy ở trong nhà nhiều nhất có thể, và nếu bạn có máy điều hòa nhiệt độ, hãy bật máy để lọc không khí. Hãy sử dụng bộ lọc chất lượng cao mà có thể lọc các dị ứng nguyên phổ biến và thay bộ lọc thường xuyên.

Khi bạn ra ngoài vào mùa dị ứng, hãy đeo kính mát ôm khít để giúp che mắt khỏi phấn hoa, cỏ phấn hương v.v…và đóng cửa khi lái xe.

Tháo kính áp tròng

Vì bề mặt kính áp tròng có thể hút và tích tụ các dị ứng nguyên qua không khí, cân nhắc đeo kính thay vì kính áp tròng vào mùa dị ứng. Hoặc cân nhắc chuyển sang đeo kính áp tròng dùng một lần hàng ngày mà bạn có thể bỏ đi sau mỗi lần đeo để tránh tích tụ các dị ứng nguyên và các chất bẩn khác trên kính áp tròng.

Thông thường, nếu dị ứng làm mắt bạn khó chịu, cách tốt nhất là dừng đeo kính — ít nhất là cho đến khi tất cả các triệu chứng dị ứng của bạn biến mất. Ngoài ra, đeo kính có tròng đổi màu có thể giảm nhạy cảm với ánh sáng liên quan đến dị ứng và có thể giúp che mắt khỏi các dị ứng nguyên qua không khí.

Sử dụng thuốc nhỏ mắt

Do dị ứng mắt rất phổ biến, có nhiều nhãn hiệu thuốc nhỏ mắt không kê đơn được pha chế để giảm ngứa, đỏ mắt và chứng chảy nước mắt do dị ứng gây ra.

Nếu các triệu chứng dị ứng mắt của bạn tương đối nhẹ, thuốc nhỏ mắt không kê đơn để làm giảm dị ứng có thể rất tốt cho bạn và có thể rẻ hơn so với thuốc nhỏ mắt kê đơn hoặc một loại thuốc khác. Hãy đề nghị chuyên gia chăm sóc mắt của bạn giới thiệu một nhãn hiệu để bạn dùng thử.

Sử dụng thuốc nhỏ mắt có chỉ định bác sĩ

Hãy hỏi bác sĩ của bạn về các loại thuốc kê đơn

Nếu các triệu chứng dị ứng của bạn tương đối nặng hoặc thuốc nhỏ mắt không kê đơn không có hiệu quả làm giảm triệu chứng, bạn có thể cần bác sĩ kê một loại thuốc mạnh hơn.

Thuốc nhỏ mắt và thuốc uống kê đơn dùng để làm giảm dị ứng mắt bao gồm:

  • Thuốc kháng histamin: Một phần phản ứng dị ứng tự nhiên của cơ thể là giải phóng histamin, một chất làm giãn mạch máu và làm cho thành mạch máu thấm qua được một cách bất thường. Các triệu chứng do histamin gây ra bao gồm chảy nước mũi, ngứa, chứng chảy nước mắt. Thuốc kháng histamin giảm phản ứng dị ứng bằng cách ngăn histamin bám vào các tế bào trong cơ thể mà tạo ra phản ứng dị ứng.
  • Thuốc làm thông mũi: Thuốc làm thông mũi giúp đường mũi bị sưng co lại để dễ thở hơn. Chúng cũng làm giảm kích thước mạch máu trên phần trắng (củng mạc) của mắt để làm giảm đỏ mắt. Cũng có thuốc kết hợp chứa cả thuốc kháng histamin lẫn thuốc làm thông mũi.
  • Chất ổn định tế bào mast: Loại thuốc này gây ra những thay đổi trong tế bào chứa histamin nằm trong các mô trên khắp cơ thể, gồm cả kết mạc của mắt và mí mắt ngăn chúng tiết histamin và các chất trung gian có liên quan của phản ứng dị ứng. Do có thể mất vài tuần để chất ổn định tế bào mast có tác dụng đầy đủ, tốt nhất là dùng loại thuốc này trước mùa dị ứng như một phương pháp dự phòng hoặc giảm tính nghiêm trọng của các phản ứng dị ứng trong tương lai (hơn là phải điều trị các triệu chứng dị ứng cấp tính đã tồn tại).
  • Thuốc chống viêm không steroid: Còn được gọi là NSAIDs, loại thuốc nhỏ mắt này có thể được kê để giảm sưng, viêm và các triệu chứng khác liên quan đến viêm kết mạc dị ứng theo mùa (còn được gọi là sốt cỏ khô).
  • Thuốc steroid: Thuốc nhỏ mắt corticosteroid đôi khi được kê để giúp giảm các triệu chứng dị ứng mắt cấp tính. Nhưng các tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng những loại thuốc này trong thời gian dài bao gồm nhãn áp cao, bệnh tăng nhãn áp và đục thủy tinh thể, nên chúng thường chỉ được kê để sử dụng ngắn hạn.

Hỏi về liệu pháp miễn dịch

Nếu không biện pháp nào trong số các biện pháp nêu trên có hiệu quả, hãy hỏi bác sĩ về liệu pháp miễn dịch. Đây là phương pháp trong đó chuyên gia về dị ứng sẽ tiêm một lượng nhỏ dị ứng nguyên để giúp bạn tích lũy miễn dịch từ từ và qua đó giảm phản ứng dị ứng.

Tự kiểm tra dị ứng mắt

  • Làm bài trắc nghiệm này để xem bạn có thể bị dị ứng mắt không. Luôn thăm khám với chuyên gia chăm sóc mắt gần nơi bạn ở nếu bạn nghi ngờ bị một tình trạng mắt cần chăm sóc.
  • Dị ứng có xảy ra trong gia đình bạn không?
  • Mắt của bạn có thường ngứa, đặc biệt là trong mùa phấn hoa vào mùa xuân không?
  • Bạn có từng được chẩn đoán bị viêm kết mạc không?
  • Bạn có dị ứng với một số loại động vật, chẳng hạn như mèo không?
  • Bạn có cần thuốc kháng histamin và/hoặc thuốc làm thông mũi để kiểm soát hắt hơi, ho và nghẹt mũi không?
  • Khi phấn hoa có trong không khí, mắt bạn có bớt đỏ và ngứa khi bạn ở trong nhà có bật điều hòa không khí?
  • Mắt bạn có bắt đầu chảy nước khi bạn dùng một số mỹ phẩm hoặc bôi kem dưỡng da, hoặc khi bạn đứng gần một số loại nước hoa mạnh?

Nếu bạn trả lời “có” với hầu hết những câu hỏi này, thì bạn có thể bị dị ứng mắt. Hãy lên dịch hẹn khám với chuyên gia chăm sóc mắt để xác định liệu pháp tốt nhất.

Dị ứng mắt và kính áp tròng

Sự khó chịu do kính áp tròng gây ra là phàn nàn thường thấy trong mùa dị ứng, khiến một số người đeo đặt câu hỏi là họ có đang bị dị ứng với kính áp tròng không.

Vấn đề bị dị ứng với kính áp tròng cũng xảy ra tùy thời điểm khi một người bắt đầu đeo kính áp tròng hydrogel silicon sau khi đeo thành công kính áp tròng mềm tiêu chuẩn (hydrogel) và gặp các triệu chứng giống dị ứng.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng thủ phạm đằng sau dị ứng mắt liên quan đến việc đeo kính áp tròng không phải là phản ứng dị ứng với bản thân kính áp tròng, mà là với các chất tích tụ trên bề mặt kính áp tròng.

Trong trường hợp chuyển từ kính áp tròng mềm tiêu chuẩn sang kính áp tròng hydrogel silicon, bề mặt và các đặc tính hóa học của vật liệu kính này có thể hút các chất lắng của kính dễ dàng hơn so với vật liệu kính trước kia, gây ra khó chịu.

Sử dụng kính áp tròng không vệ sinh kỹ có thể gây viêm nhiễm

Nhiều chuyên gia chăm sóc mắt tin rằng loại kính áp tròng mềm tốt nhất dành cho những người dễ bị dị ứng mắt là kính áp tròng dùng một lần hàng ngày mà bạn có thể vứt bỏ sau mỗi lần sử dụng, qua đó làm giảm tích tụ các dị ứng nguyên và các chất bẩn khác trên bề mặt kính.

Hydrogel silicon thường là vật liệu kính được ưu tiên dùng cho loại kính này, bởi nó cho phép tăng đáng kể lượng oxy đi qua kính, so với vật liệu kính áp tròng mềm truyền thống.

Bạn cần tư vấn và điều trị hay tầm soát bệnh lý mắt, hãy inbox hoặc gọi qua hotline 1900 636 877 với chuyên gia nhãn khoa đầu ngành luôn đồng hành cùng bạn trên hành trình bảo vệ đôi mắt sáng khỏe.