Bề ngoài của thủy tinh thể có hình dáng giống như viên kẹo sô cô la M&M, có mặt trước và mặt sau. Trung tâm của thể thủy tinh được gọi là nhân, lớp ngoài cùng là bao, giữa lớp nhân và lớp bao ngoài gọi là cortex (vỏ).
1. Đục Chín
Đục thủy tinh thể có nhiều mức độ khác nhau, từ nhẹ tới nặng, đục mới bắt đầu hoặc đục tiến triển. Thủy tinh thể đục hoàn toàn gọi là đục chín. Đục chín thường có màu trắng xóa.
2. Đục nhân
Là dạng thường gặp nhất, liên quan đến sự lão hóa. Chất nhân trong thể thủy tinh dần đặc lại và đục hơn, điều này làm thay đổi độ hội tụ của mắt, khiến chúng ta nhìn gần rõ hơn nhìn xa (cận thị giả).
Cận thị giả làm tăng khả năng nhìn gần, giúp chúng ta đọc sách báo không cần mang kính. Theo thời gian nhân thủy tinh thể đục hơn, trắng xóa, dần ố vàng và chuyển qua màu nâu đen, chúng ta sẽ không còn phân biệt được hình ảnh kể cả nhìn xa và gần.
3. Đục vỏ
Những vệt trắng bắt đầu từ rìa ngoài thủy tinh thể, dần tủa ra như hình nan hoa tiến vào trung tâm. Dạng đục này ngăn cản đường đi của ánh sáng vào võng mạc, gây ra hiện tượng lóa mắt và làm giảm độ tương phản; ảnh hưởng đến cả thị lực nhìn gần và thị lực nhìn xa. Đục vỏ thường hay gặp ở bệnh nhân tiểu đường.
4. Đục dưới bao
Đục tác động lên cực sau của thủy tinh thể, và thường tiến triển nhanh hơn các dạng đục khác, ảnh hưởng cả thị giác nhìn xa và gần. Đục nằm trên trục thị giác, ánh sáng đi vào võng mạc bị tán xạ khiến cho bệnh nhân bị chói khi ra nắng, nhìn rõ hơn khi vào trong bóng mát và buổi chiều tối hoặc thấy hào quang xung quanh những vật sáng vào ban đêm. Tiểu đường, cận thị nặng, viêm võng mạc sắc tố, sử dụng corticoid kéo dài có nguy cơ bị đục dưới bao rất cao.
Bạn cần tư vấn và điều trị hay tầm soát bệnh lý mắt, hãy inbox hoặc gọi qua hotline 1900 636 877 với chuyên gia nhãn khoa đầu ngành luôn đồng hành cùng bạn trên hành trình bảo vệ đôi mắt sáng khỏe.