Bệnh bong võng mạc là gì?
Võng mạc là lớp mô thần kinh mỏng ở phía trong cùng của mắt. Khi ánh sáng đi vào trong mắt, nó xuyên qua giác mạc và thủy tinh thể và được hội tụ trên võng mạc, sau đó được chuyển thành các tín hiệu thần kinh và gửi thông tin ngược về não thông qua những dây thần kinh thị giác. Chức năng của võng mạc giống như phim trong máy chụp ảnh, có tác dụng ghi lại những hình ảnh và sự vật bên ngoài, sau đó truyền lên não. Vì vậy mà chúng ta có thể nhận biết được thế giới xung quanh.
Bệnh bong võng mạc là tên gọi chung của một số các chứng bệnh về mắt do rối loạn trong võng mạc (hay còn gọi là đáy mắt) gây ra. Nó là nguyên nhân đứng hàng thứ hai, sau đục thủy tinh thể trong các loại bệnh lý có thể dẫn tới mù lòa cho người bệnh. Trong đó thường gặp nhất là bệnh bong võng mạc và bệnh võng mạc tiểu đường.
Rách bong võng mạc là tình trạng lớp mô võng mạc bị bong ra khỏi vị trí bình thường bên trong mắt. Ban đầu nguyên nhân có thể là do một vết rách nhỏ trên võng mạc khiến cho dịch trong mắt tràn xuống dưới võng mạc, dần dần làm tách lớp võng mạc ra khỏi vị trí ban đầu. Khi đó, võng mạc sẽ không được nuôi dưỡng, dẫn đến bệnh nhân có thể bị nhìn mờ (mất thị lực một phần) hoặc mù hoàn toàn vĩnh viễn nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Đây là một cấp cứu nhãn khoa. Bệnh nhân có thể bị tổn thất thị lực vĩnh viễn nếu không được điều trị trong vòng từ 24 đến 72 giờ.
Trong phần lớn các trường hợp, các bệnh nhân bị bong võng mạc thường có những triệu chứng cảnh báo rất rõ ràng, chỉ cần người bệnh không chủ quan là có thể dễ dàng phát hiện những dấu hiệu bất thường của bệnh, sớm phát hiện và điều trị bệnh sẽ giúp cải thiện thị lực cho bệnh nhân.
Nguyên nhân bệnh Rách (bong) võng mạc
- Bong võng mạc xảy ra khi trên võng mạc xuất hiện một hay nhiều vết rách. Khi đó, phần dịch kính bên trong mắt sẽ chảy qua vào lỗ rách và tràn xuống phía dưới võng mạc, tách dần võng mạc ra khỏi lớp mô nuôi dưỡng phía bên dưới.
- Vết rách được hình thành từ các thoái hóa võng mạc, đặc biệt là thoái hóa võng mạc chu biên. Những người có tiền sử chấn thương mắt, cận thị nặng, xuất huyết dịch kính võng mạc, bệnh võng mạc đái tháo đường… là những đối tượng có nguy cơ bị bong võng mạc cao hơn so với người bình thường.
- Các thoái hóa võng mạc chu biên có thể bắt gặp ở mọi đối tượng nhưng hay gặp ở người bị cận thị nặng.
- Các trường hợp rách võng mạc chu biên có thể xảy ra khi xảy ra hiện tượng bong dịch kính sau, hay gặp ở tuổi 60 -70 tuổi.
- Chấn thương mắt có thể gây ra rách võng mạc do chấn động hoặc do hoại tử võng mạc chu biên.
Triệu chứng của bong võng mạc
Bệnh bong võng mạc không gây đau đớn mà chỉ có các rối loạn về thị giác và làm giảm thị lực:
– Thấy dải mờ hay vẫn đục trước mắt.
– Nhìn méo mó, các đường thẳng bị cong
– Nhìn mờ một góc hoặc hoàn toàn
Khi người bệnh có các triệu chứng nêu trên cần đi khám ngay tại các cơ sở chuyên khoa mắt để kịp thời được chẩn đoán và điều trị nhằm bảo vệ thị lực.
Điều trị bong võng mạc
Nếu võng mạc bị rách nhưng việc bong chưa xảy ra, việc điều trị nhanh có thể ngăn ngừa sự xuất hiện của việc bong hoàn toàn. Nếu võng mạc bị bong, cần được điều trị bằng phẫu thuật.
Có nhiều phương pháp điều trị bong võng mạc. Một số phương pháp giúp điều trị những vết rách và lỗ nhỏ, gồm:
- Phẫu thuật Laser – Các vết đốt nhỏ được thực hiện xung quanh lỗ bị rách giúp “hàn” võng mạc về vị trí cũ.
- Cryopexy (Làm lạnh cường độ cao) – Điều trị bằng cách đông lạnh cũng có thể điều trị những vết rách hoặc lỗ nhỏ. Làm lạnh cường độ cao ở những vùng xung quanh lỗ rách và giúp gắn võng mạc trở lại vị trí cũ.
- Bơm khí (Gas injection) – Ở phương pháp này, bác sĩ nhãn khoa sẽ bơm một bong bóng khí vào mắt. Bác sĩ có thể thực hiện phương pháp này kết hợp với điều trị bằng laser hoặc Cryopexy. Bóng khí có thể giúp đẩy võng mạc về lại thành mắt trong khi điều trị bằng laser hoặc Cryopexy giúp võng mạc gắn chặt trở lại vị trí cũ, bóng khí có thể tự biến mất sau một tuần.
Hầu hết các trường hợp bị bong võng mạc đều được điều trị bằng phẫu thuật, bao gồm:
- Ấn độn củng mạc: gây dính võng mạc vào các lớp phía dưới từ bên ngoài. Phương pháp này hay được sử dụng ở những người trẻ cận thị nặng, rách võng mạc không ở quá phía sau hậu cực hoặc không có quá nhiều lỗ rách.
- Cắt dịch kính, laser nội nhãn và bơm khí nở hoặc silicon nội nhãn, có tác dụng gây dính võng mạc từ bên trong.
Sau mổ, thị lực có thể tăng hoặc như cũ hoặc giảm tuỳ theo thời gian bị bong và tình trạng bong nặng hay nhẹ. Nếu bong võng mạc chưa qua hoàng điểm, tức là vùng nhìn trung tâm của bệnh nhân chưa bị ảnh hưởng thì kết quả thị lực sẽ cao. Nếu đã bong qua hoàng điểm thì phục hồi tùy thuộc vào thời gian bong và các tổn thương phối hợp. Một số trường hợp do bệnh nặng nên cần phải mổ thêm một hoặc hai lần nữa và có khi phải sử dụng những loại thuốc đặc biệt bơm vào trong mắt để làm cho võng mạc áp trở lại.