Bệnh viêm loét giác mạc là một trong những bệnh lý về mắt thường gặp gây tổn thương cho thị lực. Bệnh thường có biểu hiện rõ rệt như cộm mắt, nhức mắt, nước mắt chảy giàn giụa, mắt bị đỏ dẫn tới thị lực suy giảm nhưng nhiều người còn chủ quan không đi thăm khám, điều trị sớm.

1. Bệnh viêm loét giác mạc là gì?

Giác mạc là một lớp màng mỏng, trong suốt, nằm phía trước con ngươi. Đây là bộ phận đầu tiên tiếp xúc với ánh sáng, cho phép ánh sáng phản ánh hình ảnh của vật đi qua giúp mắt nhìn thấy được. Vì vậy, giác mạc là bộ phận nhảy cảm và dễ bị tổn thương bởi những tác nhân ngoài môi trường.

Viêm loét giác mạc được hiểu là khi giác mạc bị trầy xước hoặc nhiễm trùng, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào mắt dẫn tới những di chứng nguy hiểm như như sẹo giác mạc, teo nhãn, lồi mắt cua thậm chí là bị mất một phần hoặc toàn bộ thị lực.

2. Các triệu chứng viêm loét giác mạc thường gặp

Khi bị viêm loét giác mạc, người bệnh có những triệu chứng rõ rệt như: Thấy vướng dị vật trong mắt, mắt sưng đỏ, nóng rát, chảy nước mắt, bị chói lóa khi ánh sáng chiếu vào, đặc biệt ở khu vực quanh tròng mắt xuất hiện những đốm đỏ, sưng mi mắt, khó mở mắt, chảy mủ từ mắt.

Giác mạc ở trạng thái bình thường là một lớp màng trong suốt. Nhưng khi bị viêm loét giác mạc, phía trước tròng đen của mắt sẽ xuất hiện nhiều đốm trắng hoặc xám li ti, mưng mủ. Trong một số trường hợp vết loét có kích thước nhỏ phải dùng kính hiển vi mới quan sát rõ thay vì nhìn bằng mắt thường.

Ngay khi gặp các triệu chứng trên, người bệnh cần nhanh chóng tới cơ sở thăm khám mắt uy tín để được khám và điều trị kịp thời, phòng ngừa tổn thương giác mạc ngày càng nặng dẫn tới nguy cơ bị mất thị lực vĩnh viễn.

3. Nguyên nhân gây loét giác mạc

Mắt bị nhiễm trùng hoặc trầy xước gây tổn thương giác mạc

  • Bệnh thường do vi khuẩn (tụ cầu, liên cầu, phế cầu,…), virus (Herpes simplex, zona) hoặc nhiễm các loại nấm (Aspergillus, Fusarium, nấm sợi,…), ký sinh trùng Acanthanmoeba.
  • Biến chứng từ một số bệnh khác như mắt hột, khô mắt, viêm kết mạc, lông xiêu lông quặm, đái tháo đường, bướu cổ,… gây tổn thương giác mạc.
  • Bị vật thể lạ bắn vào mắt gây chấn thương giác mạc
  • Sử dụng kính áp tròng không đúng theo hướng dẫn
  • Lạm dụng thuốc nhỏ mắt chứa corticoid mà chưa được bác sĩ thăm khám, hướng dẫn.

4. Các phương pháp điều trị tình trạng viêm loét giác mạc

Xác định được nguyên nhân gây viêm loét giác mạc, bác sĩ sẽ có các phác đồ điều trị bệnh phù hợp.

4.1 Điều trị nội khoa

Người bệnh cần tuân theo nguyên tắc chung là kết hợp sử dụng các thuốc điều trị nguyên nhân gây bệnh và các thuốc làm giảm triệu chứng. Chẳng hạn, đối với viêm loét giác mạc do vi khuẩn, sử dụng kháng sinh theo kháng sinh đồ hoặc kháng sinh phổ rộng. Đối với viêm loét do virus, nấm cần sử dụng các thuốc chống virus, nấm do bác sĩ chỉ định.

4.2 Điều trị ngoại khoa

Khi thuốc kháng sinh không còn hiệu quả trong trường hợp bệnh trở nặng, bác sĩ có thể cân nhắc các phương pháp ngoại khoa như phẫu thuật khoét bỏ nhãn cầu, múc nội nhãn. Trong một số trường hợp, bệnh nhân phải phẫu thuật loại bỏ giác mạc và ghép giác mạc bằng cách thay giác mạc của người hiến tặng.

5. Các phương pháp phòng ngừa viêm loét giác mạc

5.1 Tránh để mắt tiếp xúc với các tác nhân gây hại

  • Đeo kính chống nắng ngăn ngừa mắt tiếp xúc trực tiếp với tia cực tím, đồng thời tránh bụi và dị vật bay vào mắt, đặc biệt là những người bị hở mi
  • Dùng các biện pháp bảo hộ mắt khi lao động trong môi trường nhiều khói, bụi,…
  • Không dụi tay lên mắt hoặc rửa tay sạch trước khi chạm vào mắt. Khi thấy mắt có các dị vật lạ xâm nhập, cần lập tức đến ngay các cơ sở y tế để được xử lý kịp thời

5.2 Chế độ ăn uống hợp lý

Cần thiết lập 1 chế độ ăn đầy đủ dưỡng chất. Tăng cường bổ sung các thực phẩm có chứa vitamin A có trong các sản phẩm động vật như thịt, cá, gia cầm, các sản phẩm từ sữa và rau, củ, quả. Vitamin A giúp cải thiện sắc tố trong võng mạc mắt làm thúc đẩy tầm nhìn của chúng ta tốt hơn trong môi trường có ánh sáng yếu.

5.3 Đối với những người có thói quen đeo kính áp tròng

Chú ý thay kính áp tròng đúng thời hạn. Nên tháo kính áp tròng khi tham gia các hoạt động thể thao vận động mạnh ngoài trời như bơi lội, chạy,.. Trước khi đeo kính áp tròng cần có thói quen rửa tay sạch sẽ.

5.4 Điều trị dứt điểm các bệnh lý khác

Đối với những bệnh lý về mắt như mắt hột, viêm kết mạc,..hoặc các bệnh lý nền gây biến chứng như tiểu đường, bướu cổ,.. người bệnh cần điều trị dứt điểm để tránh bệnh tiến triển nặng gây tác động xấu và làm tổn thương giác mạc.

Đối với trường hợp mắt bị khô, người bệnh cần chớp mắt liên tục để làm giảm căng thẳng cho đôi mắt và loại bỏ các dị vật bên trong gây viêm mắt.

5.5 Thăm khám mắt định kì tại các cơ sở uy tín

Việc theo dõi, kiểm tra mắt thường xuyên giúp hạn chế rủi ro bị viêm loét giác mạc và ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng, giảm thiểu nguy cơ bị mất thị lực vĩnh viễn.

Hi vọng, những thông tin trên đây sẽ giúp các bạn hiểu hơn về bệnh viêm loét giác mạc. Nếu có bất cứ vấn đề gì còn thắc mắc hay muốn tìm hiểu thêm về các chương trình thăm khám bệnh lý về mắt tại Trung tâm mắt công nghệ cao 3P Sài Gòn, bạn hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được giải đáp nhé!

Bạn cần tư vấn và điều trị hay tầm soát bệnh lý mắt, hãy nhắn tin hoặc gọi qua hotline 1900 636 877 để được hỗ trợ sớm nhất.