Bệnh khô mắt là một dạng tình trạng mạn tính, thường xuất hiện ở những người trên 50 tuổi hoặc dân văn phòng. Khô mắt khiến cho mắt luôn cảm thấy khó chịu và có nguy cơ ảnh hưởng đến thị lực nếu như không được điều trị kịp thời. Hiện nay, độ tuổi mắc phải bệnh lý khô mắt đang có xu hướng dần trẻ hóa, do môi trường làm việc thường xuyên phải tiếp xúc với màn hình máy tính.

Bệnh khô mắt ảnh hưởng tới sinh hoạt của người bệnh

1. Tìm hiểu đôi nét về bệnh khô mắt

Nước mắt là một yếu tố vô cùng cần thiết để bảo vệ bề mặt nhãn cầu và duy trì thị lực. Với mỗi lần nháy mắt, nước mắt sẽ dàn đều ra trên bề mặt của nhãn cầu và đóng vai trò giúp bôi trơn bề mặt nhãn cầu, giảm tỷ lệ nhiễm khuẩn ở mắt, rửa trôi được các dị vật trong mắt và giữ gìn cho bề mặt giác mạc, kết mạc phẳng và sạch sẽ. Bệnh khô mắt xảy ra bắt nguồn từ hậu quả do mất đi sự cân bằng giữa tiết nước mắt và thoát đi của nước mắt, bao gồm:

  • Số lượng nước mắt tiết ra không đủ: Nước mắt sẽ được tiết ra từ các tuyến trong và quanh vùng mi mắt. Lượng nước mắt tiết ra sẽ giảm theo tuổi, do các bệnh tại mắt và toàn thân hoặc do sự ảnh hưởng tác dụng phụ của dùng thuốc. Với điều kiện khí hậu như gió, thời tiết hanh khô cũng là nguyên nhân làm giảm lượng nước mắt vì bốc hơi nước nhanh và dẫn đến khô mắt.
  • Chất lượng của nước mắt không tốt: Cấu tạo màng phim nước mắt của chúng ta bao gồm có 3 lớp đó là lớp mỡ, lớp nước và lớp nhầy. Mỗi lớp sẽ đảm nhiệm một chức năng, nhiệm vụ trong việc bảo vệ và nuôi dưỡng bề mặt của nhãn cầu. Lớp mỡ phẳng sẽ giúp hạn chế được sự bốc hơi nước của lớp nước, trong khi lớp nhầy có nhiệm vụ dàn phẳng nước mắt trên bề mặt giác mạc. Nếu như nước mắt bốc hơi quá nhanh hoặc dàn không phẳng trên giác mạc thì sẽ gây ra tình trạng khô mắt.

Ngoài ra, còn có một số bệnh có thể gây nên những xáo trộn ở lớp nhờn và ở lớp nhầy, cũng sẽ khiến cho mắt dễ khô. Ví dụ như các bệnh lý đó là: trứng cá đỏ, viêm bờ mi gây ngăn cản lớp nhầy sản xuất nước.

2. 5 nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bệnh khô mắt

2.1 Do lão hóa

Thoái hóa mắt trong quá trình lão hóa sẽ dẫn đến các tình trạng như khô mắt, chính vì vậy với những người trong giai đoạn từ 50 tuổi trở lên rất dễ mắc phải bệnh lý này. Các protein tham gia cấu tạo nên màng nước mắt sẽ suy giảm khi mà chúng ta già đi và lượng nước mắt được tiết ra sẽ ngày càng ít.

2.2  Do sự thay đổi hormone

Sự thay đổi hormone diễn ra khi người bệnh sử dụng biện pháp tránh thai bằng hormone, trong khi mang thai hoặc trong thời kỳ mãn kinh. Khô mắt có thể là một dạng tác dụng phụ của những thay đổi hormone này.

2.3  Bệnh toàn thân như là đái tháo đường và bệnh tự miễn

Bệnh đái tháo đường có thể là nguyên nhân gây ra những thay đổi trong các mô thần kinh. Hoạt động tiết nước mắt sẽ bị gián đoạn khi xảy ra tổn thương ở hệ thần kinh có liên quan đến bệnh đái tháo đường khiến cho mắt bị khô, đặc biệt đó là khi nồng độ đường huyết của bệnh nhân nằm ở ngoài mức kiểm soát. Các rối loạn tự miễn, như là hội chứng Sjögren, viêm khớp dạng thấp và lupus gây ra viêm có thể dẫn đến tình trạng khô mắt.

2.4 Việc sử dụng các loại thuốc

Các loại thuốc bao gồm: thuốc kháng histamine, thuốc chống trầm cảm, thuốc trị nghẹt mũi, thuốc tránh thai, liệu pháp thay thế hormone nhằm làm giảm các triệu chứng mãn kinh và thuốc điều trị lo âu, huyết áp cao và bệnh Parkinson có thể gây ra tình trạng khô mắt.

Sử dụng thuốc điều trị cần theo chỉ định của bác sĩ Nhãn Khoa

2.5 Do yếu tố môi trường tác động

Việc bạn nhìn lâu vào màn hình máy tính dễ khiến cho mắt chớp mắt không đủ. Ở môi trường nhiều gió, khói hoặc khô sẽ đẩy nhanh tốc độ bốc hơi nước mắt. Việc trải qua cuộc phẫu thuật tật khúc xạ mắt bằng laser (LASIK) cũng có thể sẽ khiến cho tình trạng khô mắt trở nên trầm trọng hơn.

3. Bệnh khô mắt có thể điều trị được dứt điểm hay không?

Khô mắt được biết đến là một hội chứng mạn tính. Nếu đã là mạn tính thì gần như rất khó có thể điều trị khỏi hoàn toàn. Vì vậy nhiệm vụ của bác sĩ nhãn khoa đó là tìm ra phương pháp phù hợp để giữ gìn cho đôi mắt bạn khỏe mạnh, dễ chịu hơn và duy trì thị lực ở mức tốt nhất. Các phương pháp được đưa ra để điều trị khô mắt bao gồm: bổ sung nước mắt nhân tạo, làm tăng tiết nước mắt, điều trị viêm của mi mắt, duy trì phim nước mắt trên bề mặt nhãn cầu và bề mặt nhãn cầu.

Bác sĩ thăm khám và tư vấn điều trị bệnh khô mắt
  • Phương pháp bổ sung nước mắt nhân tạo: Với những trường hợp khô mắt nhẹ, bác sĩ có thể điều trị bằng cách tra nước mắt nhân tạo và người bệnh có thể sử dụng thường xuyên. Tốt nhất, người bệnh nên sử dụng các loại nước mắt nhân tạo không có chứa chất bảo quản, bởi vì chất bảo quản sẽ gây độc cho mắt nếu như sử dụng kéo dài. Tuy nhiên, với những trường hợp khô mắt vừa và nặng việc sử dụng nước mắt nhân tạo thay thế là không đủ và không mang lại hiệu quả cao, do đó cần có các phương pháp khác bổ sung.
  • Tiến hành duy trì phim nước mắt: Đây là một phương pháp được tiến hành làm giảm các triệu chứng khó chịu của khô mắt đó là giữ được lượng nước mắt tự nhiên ở lâu trong mắt. Quá trình này có thể thực hiện bằng cách ngăn cản không cho nước mắt chảy qua đường lệ với những phương pháp như: Phẫu thuật đóng điểm lệ vĩnh viễn, nút các điểm lệ bằng nút Silicon.
  • Làm tăng lượng tiết nước mắt: Người bệnh có thể sử dụng các loại thuốc tra mắt để tăng tiết nước mắt do bác sĩ nhãn khoa kê đơn.
  • Điều trị tình trạng viêm của mi mắt và bề mặt nhãn cầu: Người bệnh cần sử dụng các thuốc nước hoặc mỡ để tra mắt theo đơn của bác sĩ nhãn khoa chỉ định. Các phương pháp như là chườm ấm, rửa sạch mi mắt, massage mi mắt, sẽ giúp làm giảm viêm nhiễm quanh mắt.
Một số lưu ý:

Ngoài ra, người bệnh cũng cần phải vệ sinh mắt hàng ngày bằng nước ấm, không được dùng tay dụi mắt khi có thấy khó chịu vì bụi bẩn bởi có thể làm xước giác mạc và thường xuyên đeo kính bảo vệ khi đi ra đường. Cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng và uống đủ nước, cung cấp vitamin A, ăn nhiều rau xanh, hoa quả để bổ sung vitamin nhằm cải thiện chứng khô mắt. Nếu như, bệnh khô mắt diễn ra trong thời gian kéo có thể gây ra tổn thương giác mạc và suy giảm miễn dịch. Chính vì vậy, khi bản thấy có cảm giác khô như có cát hay dị vật trong mắt, nóng mắt, bị nhức mắt và tiết nhiều nước mắt thì cần phải đến các cơ sở y tế để có thể được thăm khám và điều trị kịp thời.

Bạn cần tư vấn và điều trị hay tầm soát bệnh lý mắt, hãy inbox hoặc gọi qua hotline 1900 636 877 với chuyên gia nhãn khoa đầu ngành luôn đồng hành cùng bạn trên hành trình bảo vệ đôi mắt sáng khỏe.