Giác mạc hình chóp là tình trạng giác mạc không có hình cầu mà lồi ra ngoài thành hình chóp có thể làm thị lực mờ và khiến bệnh nhân nhạy cảm với ánh sáng.
Giác mạc hình chóp là gì?
Giác mạc hình chóp là bệnh lý xuất hiện do các liên kết giữa các sợi collagen trong nhu mô giác mạc không bền vững, làm thay đổi bán kính cong của giác mạc một cách bất thường, tiến triển theo thời gian, làm độ cận, loạn thị tăng nhanh. Hậu quả có thể gây ra giãn, lồi giác mạc và giảm thị lực, không hồi phục kể cả khi chỉnh kính.
Nguyên nhân gây giác mạc hình chóp
Không ai biết được nguyên nhân chính xác của bệnh. Tuy nhiên các nhà khoa học tin rằng yếu tố di truyền, môi trường hoặc nội tiết tố có ảnh hưởng ít nhiều đến bệnh.
Các yếu tố di truyền gây ra:
- Một số khiếm khuyết di truyền khiến những sợi protein nhất định trong giác mạc trở nên suy yếu. Những sợi này giúp giác mạc có độ cong hoàn hảo, khi những sợi này bị yếu, giác mạc sẽ biến dạng và phình ra phía trước.
- Theo nghiên cứu của các nhà khoa học những gia đình từng có người bị thì khả năng thế hệ sau cũng bị bệnh là rất cao.
Các yếu tố môi trường:
- Những ai bị giác mạc hình chóp thường mắc các chứng dị ứng như hen suyễn, eczema và dị ứng thức ăn. Những người bị dị ứng nếu dụi mắt quá nhiều lần có thể gây tổn thương giác mạc, tạo cơ hội cho bệnh phát triển.
Triệu chứng của giác mạc hình chóp
Các dấu hiệu và triệu chứng khi bệnh tiến triển, bao gồm:
- Nhìn mờ hoặc thị lực thay đổi theo diễn biến của bệnh
- Nhạy cảm với ánh sáng hoặc ánh đèn chói, điều này có thể gây ảnh hưởng đến việc lái xe ban đêm
- Thường xuyên phải thay đổi kính đeo
- Mắt đột ngột xuất hiện làn mây mờ hoặc suy giảm thị lực nghiêm trọng
Phương pháp điều trị
Người bệnh cần được thăm khám bởi các bác sĩ Nhãn khoa để có được chẩn đoán chính xác và đưa ra những phương pháp điều trị phù hợp.
- Dùng kính gọng hoặc kính áp tròng mềm: Bệnh nhân mắc bệnh giác mạc hình chóp ở giai đoạn sớm, khi loạn thị giác mạc chưa nhiều thì có thể điều chỉnh bằng kính giống như tật khúc xạ thông thường.
- Dùng kính áp tròng cứng: Ở giai đoạn nặng hơn, giác mạc bị biến đổi, gồ ghề không đều (loạn thị không đều) nhưng còn trong suốt, kính gọng hay kính tiếp xúc mềm lúc này không có tác dụng. Việc sử dụng kính tiếp xúc cứng sẽ giúp cải thiện thị lực cho bệnh nhân. Tùy vào mức độ, hình thái cụ thể mà bác sĩ có thể kê kính thiết kế với các thông số thay đổi khác nhau, có những thiết kế kính phối hợp cả kính tiếp xúc cứng và mềm để bệnh nhân đạt thị lực tốt nhất.
- Cross-linking là phẫu thuật duy nhất có thể làm chậm tiến triển giác mạc chóp. Bác sĩ sử dụng vitamin B2 nhỏ lên giác mạc và chiếu tia cực tím để làm tăng độ chắc của giác mạc.
- Khi bệnh ở giai đoạn muộn, bệnh nhân cần được phẫu thuật đặt vòng trong nhu mô giác mạc để nhìn rõ hơn, hoặc phải ghép giác mạc một phần hoặc toàn bộ giác mạc mới có thể phục hồi thị lực.
Bệnh nhân có bệnh giác mạc hình chóp cần khám mắt định kỳ để theo dõi, phát hiện sớm các biến chứng, thay đổi các thông số kính nếu cần thiết. Những bệnh nhân dùng kính tiếp xúc cần tuân thủ cách hướng dẫn, vệ sinh và bảo quản kính để an toàn cho mắt, tránh những biến chứng có thể gặp phải trong quá trình sử dụng kính.